Đáp:
I- Giải tội tập thể là gì?
“Giải tội tập thể” hay “xá giải chung” (general absolution) là việc linh mục cử hành nghi thức Giải Tội bí tích cho một tập thể hối nhân, mà trước đó không có xưng tội riêng từng người. Đây là một trường hợp rất đặc biệt, không phải là việc được phép thực hành thường xuyên trong Giáo hội.
Kể từ Công đồng Tridentinô vào thế kỷ XVI, Giáo hội Công giáo khẳng định: “Việc xưng tội riêng (cá nhân) và xưng tội đầy đủ cùng với việc xá giải là cách duy nhất và thông thường, nhờ đó một tín hữu ý thức mình có tội trọng được hòa giải với Thiên Chúa và Giáo hội; chỉ có sự bất lực thể lý hay luân lý mới miễn chuẩn việc xưng tội như trên; trường hợp này, việc hòa giải cũng có thể được thực hiện bằng những cách khác” [1]. Như vậy, lý do duy nhất có thể miễn xưng tội riêng là bất lực thể lý hay luân lý; chẳng hạn: tình trạng bản thân đau ốm hay không có linh mục giải tội nào có thể gặp được; hay lý do tâm lý như hối nhân quá sợ hãi đến mức tâm thần (hysteria) khi xưng tội cá nhân.
“Giải tội tập thể” trở thành ngoại lệ đầu tiên vào năm 1915 và 1939, khi Đức Bênêđictô XV và Đức Piô XII dành cho các vị Giám Mục năng quyền đặc biệt để: các linh mục tuyên úy quân đội được Giải Tội tập thể cho các quân nhân trước khi ra trận [2]. Hiện nay, các quy định về “Giải tội tập thể” được nêu trong Bộ Giáo Luật 1983 điều 960-963; và Đức Gioan Phaolô II đã giải thích chi tiết trong tông thư dưới dạng motu proprio Misericordia Dei (07.02.2002).
II- Những điều kiện chung để có thể cử hành “Giải tội tập thể”?
Việc “Giải tội tập thể” chỉ được cử hành khi có đủ các tiêu chuẩn sau đây [3]:
1- Không có đủ linh mục giải tội: một linh mục hay nhiều linh mục không đủ thời giờ nghe từng hối nhân xưng tội. “Tuy nhiên, không được coi là có sự khẩn thiết thực sự, khi không có đủ các cha giải tội chỉ nguyên vì lý do hối nhân đông đảo, như trong trường hợp các dịp đại lễ hay hành hương”.
2- “đến nỗi các hối nhân không được lãnh ơn bí tích Xá Giải hoặc không được Rước Lễ trong thời gian lâu dài mà không do lỗi của họ”. Hội Đồng Giám Mục Mỹ từng đề nghị giải thích “thời gian lâu dài” (diu) của GL 961, được tính là “một tháng”. Cách giải thích này không được Tòa Thánh chấp nhận [4]. Đức Gioan Phaolô II cũng cho là cách giải thích “một tháng” là không khôn ngoan và xuyên tạc (distort), vì đây phải là một trường hợp cụ thể khi thực sự không thể xưng tội riêng vì bất lực theo GL 960 [5] .
3- “Trong trường hợp nguy tử” cận kề (imminent) hay “trường hợp khẩn cấp nghiêm trọng”. Việc nhận định khi nào là “khẩn cấp nghiêm trọng” do Đức Giám Mục giáo phận quyết định (xem phần IV).
III- Những điều kiện để người tín hữu có thể lãnh nhận bí tích khi có cử hành “Giải tội tập thể ?
Đức Gioan Phaolô II đã chỉ dẫn chi tiết các điều kiện đối với người lãnh nhận [6]:
1- “người tín hữu phải có tâm tình thích đáng”: nghĩa là phải chuẩn bị đầy đủ như khi xưng tội riêng: xét mình, sám hối và dốc lòng chừa…
2- Nếu có thể, kể cả trường hợp nguy tử, mỗi người phải làm một việc đền tội.
3- Hối nhân đang sống trong tình trạng tội trọng thường xuyên và không có ý định thay đổi tình trạng của mình thì không thể lãnh nhận bí tích Giải Tội thành sự.
4- “phải quyết tâm là sẽ đi xưng tội riêng vào thời gian thích hợp”; thời gian thích hợp phải hiểu là “ngay khi có dịp”. Ngoài ra, “người nào được tha các tội trọng nhờ một ơn xá giải chung phải đi xưng tội riêng sớm hết sức khi có dịp, trước khi lãnh nhận ơn xá giải chung một lần khác, trừ khi bị ngăn trở vì một lý do chính đáng” [7].
IV- Vị nào có quyền cho phép “Giải tội tập thể” và ấn định các tiêu chuẩn phải giữ?
Đức Giám Mục giáo phận là vị duy nhất có quyền cho phép “Giải tội tập thể” và ấn định các tiêu chuẩn phải giữ. Bình thường, khi đã nhận chức linh mục thành sự, một linh mục có khả năng cử hành bí tích Giải Tội; nhưng trừ trường hợp nguy tử, linh mục chỉ giải tội thành sự cho các tín hữu khi được Đấng Bản Quyền địa phương trao cho năng quyền Giải Tội; đồng thời linh mục phải tuân giữ những chỉ dẫn mục vụ do Đấng Bản Quyền địa phương nêu ra [8].
Đối với việc “Giải tội tập thể” trong trường hợp “khẩn cấp nghiêm trọng”, Đức Gioan Phaolô II đã chỉ dẫn chi tiết như sau [9]:
1- “Trường hợp khẩn cấp nghiêm trọng là những hoàn cảnh ngoại lệ khách quan; chẳng hạn tại các xứ truyền giáo hay tại những cộng đoàn tín hữu bị cô lập khi linh mục chỉ có thể đến thăm một lần hay rất ít lần trong một năm; hay khi có chiến tranh hay thiên tai hay những yếu tố tương tự”.
2- Khi do điều kiện mục vụ của toàn giáo phận, có cùng lúc cả hai yếu tố: - 1- Không có đủ linh mục giải tội; 2- “đến nỗi các hối nhân không được lãnh ơn bí tích Giải Tội hoặc không được Rước Lễ trong thời gian lâu dài mà không do lỗi của họ”.
3- Không có đủ linh mục giải tội, vì linh mục không đủ thời gian hợp lý để ban bí tích cách thành sự và xứng đáng, chứ không phải vì linh mục giải tội muốn “kéo dài việc đối thoại mục vụ”.
4- Đức Giám Mục giáo phận phải khôn ngoan cân nhắc về “thời gian lâu dài” mà các tín hữu không được lãnh ơn bí tích.
5- Tình trạng nghiêm trọng khẩn cấp nói trên xảy ra, không phải do các vị mục tử không lo chu toàn bổn phận Giải Tội cho tín hữu hay do các tín hữu thích chọn cách “Giải tội tập thể”.
6- Tình trạng nghiêm trọng khẩn cấp nói trên xảy ra, không phải do các dịp đại lễ, hành hương, du lịch hoặc do hoàn cảnh thuận tiện đi lại hiện nay làm cho nhiều tín hữu đến nhà thờ đó.
7- “Việc thẩm định xem có đủ điều kiện để “Giải tội tập thể” theo Giáo Luật điều 961, 2 là thẩm quyền của Đức Giám Mục giáo phận, không phải của linh mục giải tội”. Đức Giám Mục giáo phận thẩm định “dựa vào những tiêu chuẩn đã được thỏa thuận chung với các thành viên khác của Hội Đồng Giám Mục” [10].
8- Các vị Giám Mục phải thông báo cho Hội Đồng Giám Mục những trường hợp khẩn cấp nghiêm trọng trong giáo phận của các ngài. Hội Đồng Giám Mục phải tổ chức phiên họp chính thức theo Giáo Luật điều 455, 2; và gởi văn bản những quy định các ngài đã thống nhất đến Thánh Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích.
V- “Giải tội tập thể” tại giáo phận Sài Gòn?
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam chưa có phiên họp nào bàn về “Giải tội tập thể”; cũng chưa từng hỏi ý kiến Thánh Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích.
Đối với Giáo phận Sài Gòn, Đức cố Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình chưa từng ra quy định bằng văn bản hay cho phép miệng linh mục nào cử hành“Giải tội tập thể” [11]. Đức Hồng Y Tổng Giám Mục đương nhiệm cũng thế. Như vậy, không có vị Giám Mục nào ở Sài Gòn cho phép cử hành “Giải tội tập thể” vì hoàn cảnh khẩn thiết nghiêm trọng.
Do đó, tại Sài Gòn hiện nay, trường hợp duy nhất một linh mục có thể cử hành “Giải tội tập thể” thành sự là trường hợp nguy tử; tức là khi linh mục chính xứ thấy rằng trong địa giới giáo xứ của ngài xảy ra chiến tranh, thiên tai hay dịch bệnh, đến nỗi chắc chắn có nhiều người chết trong vài ngày tới.
LM Gioan Bùi Thái Sơn
Đại Diện Tư Pháp giáo phận
Đại Diện Tư Pháp giáo phận
-----------------------------------------
[1] Giáo Luật đ. 960; x. THÁNH BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN, Normae Pastorales Sacramentum Paenitentiae, 16.06.1972, in AAS 64 (1972) p.510; Sách Giáo Lý điều 1484.
[2] BỘ THÁNH VỤ, Declaratio, 06.02.1915, in AAS 7 (1915) p.72; AAS 31 (1939) p. 712.
Năm 1944, Bộ Thánh Vụ ban hành Chỉ Thị Ut Dubia để hệ thống các quy định và thêm: năng quyền “Giải tội tập thể” không chỉ trong trường hợp nguy tử vì chiến tranh, mà cả khi có “một nhu cầu khác khẩn thiết và nghiêm trọng…” (AAS 36 (1944) pp.155-156); THÁNH BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN, Normae Pastorales Sacramentum Paenitentiae, 16.06.1972, in AAS 64 (1972) p.510; Sách Giáo Lý điều 1484. Theo lời Đức Ông Trần Văn Khả, Bộ Phụng Tự sắp soạn lại văn kiện Ordo Paenitentiae1973; phần Giải Tội tập thể sẽ dựa trên chỉ dẫn của Đức Gioan Phaolô II.
[3] Giáo Luật đ. 961.
[4] The Jurist 53 (1993), p. 404.
[5] GIOAN PHAOLÔ II, Ap. Lit. motu proprio Misericordia Dei, 07.02.2002, n. 4.2d.
[6] GIOAN PHAOLÔ II, Ap. Lit. motu proprio Misericordia Dei, 07.02.2002, n. 4.8-9.
[7] Giáo Luật đ. 963.
[8] Giáo Luật đ. 966, 969 và 976.
[9] GIOAN PHAOLÔ II, Ap. Lit. motu proprio Misericordia Dei, 07.02.2002, n. 4-6.
[10] Giáo Luật đ. 962.
[11] Theo lời linh mục Phanxicô Huỳnh Hữu Đặng, chánh văn phòng giáo phận từ năm 1970 cho đến nay, kiêm nhiệm đại diện tư pháp giáo phận cho đến năm 2000.
[2] BỘ THÁNH VỤ, Declaratio, 06.02.1915, in AAS 7 (1915) p.72; AAS 31 (1939) p. 712.
Năm 1944, Bộ Thánh Vụ ban hành Chỉ Thị Ut Dubia để hệ thống các quy định và thêm: năng quyền “Giải tội tập thể” không chỉ trong trường hợp nguy tử vì chiến tranh, mà cả khi có “một nhu cầu khác khẩn thiết và nghiêm trọng…” (AAS 36 (1944) pp.155-156); THÁNH BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN, Normae Pastorales Sacramentum Paenitentiae, 16.06.1972, in AAS 64 (1972) p.510; Sách Giáo Lý điều 1484. Theo lời Đức Ông Trần Văn Khả, Bộ Phụng Tự sắp soạn lại văn kiện Ordo Paenitentiae1973; phần Giải Tội tập thể sẽ dựa trên chỉ dẫn của Đức Gioan Phaolô II.
[3] Giáo Luật đ. 961.
[4] The Jurist 53 (1993), p. 404.
[5] GIOAN PHAOLÔ II, Ap. Lit. motu proprio Misericordia Dei, 07.02.2002, n. 4.2d.
[6] GIOAN PHAOLÔ II, Ap. Lit. motu proprio Misericordia Dei, 07.02.2002, n. 4.8-9.
[7] Giáo Luật đ. 963.
[8] Giáo Luật đ. 966, 969 và 976.
[9] GIOAN PHAOLÔ II, Ap. Lit. motu proprio Misericordia Dei, 07.02.2002, n. 4-6.
[10] Giáo Luật đ. 962.
[11] Theo lời linh mục Phanxicô Huỳnh Hữu Đặng, chánh văn phòng giáo phận từ năm 1970 cho đến nay, kiêm nhiệm đại diện tư pháp giáo phận cho đến năm 2000.
0 nhận xét | Viết lời bình