Tình Người Ở Mái Ấm Tương Lai

Nằm lọt trong con hẻm ở thôn Đá Mài 2, xã Tân Xuân (Hàm Tân), Mái ấm tương lai chính thức hoạt động từ tháng 7/2015.
Đây là nơi cưu mang nhiều em nhỏ có hoàn cảnh không may, những mảnh đời bất hạnh. Hiện nay theo sơ Vũ Thị Vĩnh (Dòng Mến Thánh Giá Phan Thiết) phụ trách cơ sở là thì mái ấm đang nuôi dưỡng 30 em nhỏ.
Trong số 30 em nhỏ nói trên, La Thị Lan, La Văn Điệp ở Bà Rịa Vũng Tàu mới vào mái ấm 2 năm, nhưng theo hai em kể đây là thời gian đẹp nhất của mình. Trước đây, hai em sống cùng người mẹ bị thần kinh, chẳng thể nuôi dưỡng con. Hai em được gửi vào mái ấm, được các sơ tận tình chăm sóc, nuôi dạy. Có trường hợp như Hoàng Thị Quỳnh Nga ở Đồng Nai, mẹ bỏ đi khi em còn rất nhỏ, bố nghiện và đi tù, em ở với nội. Bà nội già yếu không có khả năng nuôi cháu nên gửi Nga vào mái ấm. Nga hiện đang học lớp 5 Trường tiểu học Tân Xuân. Em nói thích ở nơi này vì rất vui.
Đó còn là 4 anh em: Long, Kiệt, Trung và Hà. 4 em tuy còn mẹ nhưng mẹ lại không có khả năng nuôi. Mẹ đi làm thuê khắp nơi, sợ các con lang thang như mình, không được học hành nên đã gửi các em vào mái ấm…

Dạy trẻ lao động
Để trẻ sống yêu thương, giúp đỡ nhau như anh em một nhà, các sơ phụ trách nuôi dạy trẻ ở mái ấm đã làm rất nhiều việc. Sơ trưởng Vĩnh, nói: “Phải dạy các em mọi thứ, từ biết nói lời cảm ơn, xin lỗi, chào hỏi khách, rót nước mời khách, biết kính trên nhường dưới, biết chia sẻ công việc với mọi người, sống gọn gàng ngăn nắp”. Hàng tuần, cứ đến thứ bảy, các sơ tập trung các em lại để chỉ dạy, nhắc nhở, dặn dò những điều cần thiết. Ngoài dạy lý thuyết, các em còn được tập lao động, ban đầu là việc nhẹ gấp mùng mền, quần áo ngay ngắn rồi quét sân vườn, lau nhà, lau bàn ăn, rửa chén… Các em luôn được các sơ theo dõi, giám sát để nhắc nhở khi làm chưa đạt, để tuyên dương, động viên khi các em thực hiện tốt… Nhờ đó, những đứa trẻ của mái ấm luôn ngoan ngoãn, lễ phép và siêng năng.
Lo việc học
Có gần 20 em trong số các em đang học tiểu học và THCS. Nhờ được kèm cặp, năm nào học sinh của mái ấm cũng là học sinh tiên tiến, học sinh giỏi. Hàng ngày, các em học ở trường, tối đến, được các sơ ôn lại bài đã học, chuẩn bị bài ngày mai. Theo đó, sơ Trang kèm học sinh lớp 2 và 3; sơ Lý kèm học sinh 4 và 5; sơ Đào kèm các em lớp 1 và lớp 7. Riêng môn Anh văn, các sơ mời một giáo viên ở La Gi lên dạy 2 buổi/tuần, vào thứ ba và thứ năm, cho các em. Riêng 2 tháng hè, các em được đi học tại Trung tâm Anh ngữ Dila ở thị xã La Gi. Sơ Đào nói: “Chỉ tính riêng tiền xe buýt cũng tốn vài trăm ngàn đồng cho mỗi em hai lượt đi về”. Thời gian đó, do các em ở lại học cả ngày, các sơ ngoài việc thuê nhà, còn chở cơm xuống để các em ăn uống.
Ngoài học Anh văn, các em còn học vi tính, học đàn. Hiện mái ấm được các nhà hảo tâm hỗ trợ 10 cây đàn và 3 chiếc máy vi tính, nhưng do các em khá đông nên các sơ phải chia thời gian để em nào cũng được học. Nhờ thế, không chỉ học khá các môn văn hóa, các em ở mái ấm còn biết chơi đàn, sử dụng vi tính khá tốt.
Khó khăn
Sơ trưởng Vĩnh tâm sự: “Dù không sinh ra các em, nhưng các sơ luôn xem trẻ ở mái ấm như con của mình, hết lòng chăm sóc, nuôi dưỡng. Hy vọng sau này, các em sẽ trở thành người lương thiện, làm điều tốt cho đời. Cây được chăm sóc tốt chắc chắn sẽ cho trái thơm, quả ngọt”.
Sơ cũng cho biết, trong số 30 em nơi đây, chỉ có số ít gia đình phụ giúp mái ấm 1 triệu đồng một tháng. Nhiều gia đình 6 tháng nay chưa gửi đồng nào. Ngoài những đứa trẻ này, mái ấm còn cưu mang hàng chục bà bầu và trẻ sơ sinh. Hàng tháng, tiền cho sinh hoạt phí không hề nhỏ, đặc biệt tiền quần áo, sách vở, giày dép, tiền trường cho các em. Nguồn thu không có, nguồn hỗ trợ của các nhà hảo tâm cũng hạn chế vì mái ấm mới thành lập ít người biết tới. Các sơ rất vất vả để gồng gánh, nhiều lúc thiếu phải xin giúp đỡ từ bề trên để các em được nuôi dưỡng, chăm sóc như bao trẻ khác.
Phan Tuyết
Hình ảnh Các em ở Mái ấm được các sơ tận tình chăm sóc, nuôi dạy.

Bạn đã xem chưa

0 nhận xét | Viết lời bình